Pages

Monday, April 18, 2016

Đứa 75 Đứa 85

(Được chọn mở đầu loạt bài viết về 30 Tháng Tư trên đài Little Saigon Radio 2015)
(Xướng ngôn viên: Ngọc Ân)
 
Kỳ  Ngọc Thanh Vân

Xin thưa ngay với bạn đó là cách gọi để phân biệt hai đứa con gái nhà mình. Không đứa nào được mình bồng ẵm ngay lúc sinh ra; và cả hai đều có số xa cha từ nhỏ! Đứa đầu sinh 75, năm đánh dấu khúc quanh lịch sử thảm thuơng nhất của dân tộc; với số phận riêng, đó là năm mình khởi đầu một hành trinh tù đầy suốt 7 năm từ Nam ra Bắc. Đứa 85 còn lại sinh ra khi mình cũng đã vượt sóng viễn du, và đang ăn cơm cá khô của Cao Ủy trên đảo tị nạn Galang, Indonesia.

Nhớ lại, có nhiều “bạn ra khơi” đã giải quyết nạn khan hiếm chất tưoi bằng cách chơi "cóc xào lăn". Nhà cửa doanh trại trên đảo kè sát núi rừng, đêm xuống cứ theo đèn, gia đình dòng họ cậu ông trời hạ sơn tập kích vào nhà dân vượt biên kiếm ăn từng bầy nhiều vô kể. Mình thì xin chịu thua. Ở tù cộng sản có gan trốn trại, ra tù nổi máu anh hùng tìm vào chiến khu Malawi Phương Lâm, chiến hữu bị bắt và tử hình, cùng kế mới chịu vưọt biên, không chờ bảo lảnh của đứa em đi Mỹ từ 75. Vậy mà nói đến ông Cóc thì phải sợ, nhớ đến vụ ông “đập một phát chết 7 mạng” trong tù cải tạo vẫn còn rợn. Cá khô như thế là quá hạnh phúc khi nhớ lại những năm tháng “nín thở qua sông”. Ấy vậy mà có nhiều ông bà dân mình quên phứt ngay cái dĩ vãng thê lương vừa vứt lại sau lưng, để tiếp tục thở than than thở, vì... thiên đường vẫn còn xa quá !

Trở lại, gọi con bằng năm sinh cũng là một cách thông dụng và tiện lợi trong dân gian, vì cùng lúc nó giới thiệu gián tiếp tuổi tác và hoàn cảnh lịch sử của đứa bé, đặc biệt là những đứa 75 như con gái mình trong bài viết này. Nhưng đó cũng đã nảy sinh vấn đề. Bà xã tuy là giáo viên đào tạo trong chế độ Cộng hòa, sống với cộng sản lâu ngày, cứ quen miệng gọi đứa 75 là đứa sinh ra hồi “giải phóng”. Lúc tù về, nghe bả phát ngôn như thế mình ức lắm, nhưng chưa dám chỉnh ngay. Cần phải có thời gian nghiên cứu lại quan hệ chính trị của bả với chế độ mới này cái đã ! Nhớ xưa khi quen biết, Ba mình có căn dặn xem xét kỷ 3 điều về con gái ruộng vườn Nam Bộ: một, họ hàng theo cộng sản; hai, đánh bài (tứ sắc); và ba, chửi thề. Quan trọng là điều một, dù sao, bà xã mình là dân chợ, không phải ruộng vườn. Khi làm đơn kết hôn trong quân đội, việc điều tra xem xét cũng đã đến tận các cơ quan địa phương. Kết quả ok, nhưng sau 75 mới lòi ra xa gần ai cũng có bà con việt cộng cả ! Thiệt cũng có, mà nhận quàng vào để làm bùa hộ mạng cũng nhiều ! May mắn, gia đình vợ mình về khoản “thân nhân cách mạng” đếm chỉ lai rai, và xa xa như lông lá dưới chân, chứ không xáp cận như râu ria trên mặt. Về sau, mình chỉnh thì bả cười, rồi cũng dần mà sửa hẳn.

Mình dân Saigon, bà xã dân Rạch Giá, còn ngày ra mầm đứa 75 là lúc tụi này hẹn hò với nhau ở Xứ xoài Chi Lăng Châu Đốc. Đầu năm 75, Khi được điện tín báo tin “mẹ tròn con vuông” là lúc mình đang “ngự” trên đỉnh Núi Sam. Ngày đó, trên đỉnh có 3 đơn vị quân sự trú đóng: 2 khẩu đội súng cối, loại cối từ thời Pháp để lại, chưa hề được bắn đi một phát nào, với người chỉ huy là một thiếu úy già như chính khẩu súng; một đài tiếp vận siêu tần số; và một trạm liên lạc của Biệt Đội Điện Tử Sư Đoàn 9 do mình trách nhiệm điều hành. Phải đến 20 mươi năm sau, khi mình từ Mỹ trở về hoạt động bị bắt và lảnh án 9 năm, ở trại K3 Xuân Lộc tình cờ mình gặp lại người lính cũ thân cận với viên sĩ quan già vừa kể. Cuộc gặp gở thật bất ngờ ly kỳ hi hửu, và nhờ vậy mình mới té ngửa ra là cả hai người đó là “cán bộ CS nằm vùng” trong quân đội mình !

Nhắc đến hai đứa 75, 85 chút xíu mà đã nhớ nẩy ra bấy nhiêu chuyện. Có kịp nói đến chuyện riêng tư của đứa nào đâu. Mà thôi, riêng tư là chuyện nhỏ. Nhân cớ đó, mình kể chơi với bạn một đôi chuyện liên quan. Biết đâu chuyện mình kể sẽ gợi lại đôi điều gì đó trong chính cuộc đời của bạn. Và nếu bạn có nghe ai gọi "30 tháng Tư" là ngày “giải phóng”, xin bạn “khều” nhẹ họ một cái giùm mình.

Cám ơn thời gian của bạn.

Kỳ  Ngọc Thanh Vân

(Tháng Tư 2015)

No comments:

Post a Comment